Du học Nhật: Du học sinh Việt Nam sang nhật luôn tính kế làm thêm để có thêm thu nhập. Bạn nào năng động, khéo léo giỏi giang thì tiền làm thêm không những đảm bảo các chi phí sinh hoạt, học tập còn có thể gửi về quê cho gia đình. Tôi biết có bạn, sau 1 năm sang Nhật du học, cậu ấy có đủ tiền đầu tư cho một cậu em tiếp tục sang Nhật du học – vừa học vừa làm. Dưới đây Nhatban.net.vn giới thiệu với các bạn các cách xin việc làm thêm từ dễ tới khó.
Nếu bạn không tìm được việc làm ưng ý từ sự giới thiệu của nhà trường nơi bạn học, hoặc từ công ty tư vấn du học hỗ trợ bạn, chúng tôi tổng hợp 5 cách tìm việc làm ở Nhật sau đây, bạn có thể tham khảo.
Cách 1: Có người quen giới thiệu
Ví dụ có người quen đang làm trong một quán ăn và giới thiệu bạn vào đó làm, hoặc người đó không làm ở đó nữa và giới thiệu bạn vào thay. Đây là cách chắc ăn nhất vì chủ quán sẽ yên tâm tin tưởng do có sự giới thiệu. Nếu bạn có mối quan hệ rộng với nhiều người, bạn có thể nhờ bạn bè giới thiệu công việc cho bạn. Đây là cách nhiều du học sinh vẫn làm. Một số bạn mới chọn cách tìm đến cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản. Bây giờ internet đã phổ biến, việc tìm đồng hương Việt Nam ở Nhật cũng dễ, chỉ cần lên mạng facebook mà tìm thì cũng ra rất nhiều địa chỉ:
– Du học sinh Bắc Giang tại Nhật Bản: www.facebook.com/duhocsinhbacgiang
– Hội tu nghiệp sinh Nhật Bản: www.facebook.com/jigyokaihatsu
– Cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản: www.facebook.com/vietnam.japan
– Hội sinh viên Việt Nam ở Nhật Bản: www.facebook.com/hssvVIETNAMJAPAN
– Những người làm việc tại Nhật: www.facebook.com/HoiNhungNguoiThichLamViecTaiNhatBan
– Cộng đồng thực tập sinh tại Nhật Bản: www.facebook.com/ThuctapsinhNhatBan
Các bạn có thể vào các địa chỉ trên để tìm kiếm thông tin, chia sẻ và trao đổi tìm sự giúp đỡ từ những người đang làm việc tại Nhật Bản.
Cách 2: Tìm quanh khu phố bạn sống, tốt nhất là ở các nhà ga lớn gần chỗ bạn sống
Ở các nhà ga tàu điện lớn bao giờ cũng tập trung siêu thị, cửa hàng ăn uống, cửa hàng tiện lợi (kombini),… Khi cần tuyển người làm thêm, các cửa hàng sẽ dán thông báo arubaito boshuu (arubaito mộ tập) ở trước cửa. Bạn có thể vào hỏi hay gọi điện thoại hỏi.
Cách 3: Thông qua báo giới thiệu việc làm miễn phí
Các báo này thường gọi là (free paper, báo miễn phí) phát ở các cửa hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi 24 giờ (combini),… gần nơi bạn sống. Thường báo phát hành vào thứ 2 hoặc thứ 5, bạn nên lấy báo ngay sau khi phát hành và gọi điện ngay, vì cần có tính cạnh tranh về thời gian. Các cửa hàng, hàng quán thường là cần người ngay. Báo miễn phí sẽ có các chữ như 無料 (muryou, vô liệu = miễn phí), ¥0 (0 yên), FREE (miễn phí)….
Tạp chí giới thiệu việc làm thêm miễn phí tại Nhật
Cách 4: Thông qua các trang web giới thiệu việc làm thêm
Ví dụ:
http://www.baitoru.com/
http://townwork.net
Bạn có thể tìm ở khu vực ga tàu điện mà bạn muốn. Các công việc bao giờ cũng được sắp xếp theo khu vực và chủng loại công việc nên có thể dễ dàng tìm kiếm.
Cách 5: Thông qua trường bạn học giới thiệu
Thường là các công việc như lập trình (nếu bạn học đại học về công nghệ thông tin), gia sư,… Thường các trường có kênh giới thiệu việc cho du học sinh, bạn có thể thỉnh thoảng ghé qua đó xem có công việc nào phù hợp không.
Trình tự xin việc làm thêm ở Nhật
Bước 1: Xin giấy phép làm thêm
Đây là "giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú" (shikakugai katsudou kyokasho, tư cách ngoại hoạt động hứa khả thư), ở đây tư cách lưu trú của bạn là du học và giấy phép này cho bạn làm thêm. Thực ra bạn chỉ có tư cách du học nên bạn sẽ không được làm thêm nhưng chính phủ Nhật cho phép bạn làm thêm để bạn có thể trang trải phần nào kinh phí du học của bạn. Giấy phép này cũng là thứ để cục quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản quản lý số giờ làm của bạn để đảm bảo là bạn không làm quá số giờ quy định mà sao lãng việc học hành.
Nơi xin giấy phép: Cục quản lý xuất nhập cảnh (Tokyo hoặc địa phương)
Giấy tờ cần thiết: Giấy chứng nhận đang đi học của trường bạn học, thành tích học tập kỳ trước, hộ chiếu kèm visa còn hiệu lực, thẻ đăng ký người nước ngoài.
Thời hạn giấy phép có hiệu lực: Thường là 2 năm hoặc là thời hạn visa của bạn (nếu thời hạn này ít hơn 2 năm), sau khi hết hạn mà bạn muốn đi làm thì bạn sẽ phải xin lại.
Bước 2: Tìm và xin việc
Bạn sẽ phải nói chuyện điện thoại, do đó khả năng nghe của bạn phải tốt. Tốt nhất là nắm rõ trước các từ cần biết như 店舗tempo (cửa hàng), 時間帯 jikantai (thời gian),… Nếu bạn nghe không tốt, bạn nên đi quanh khu vực của bạn và vào hỏi trực tiếp. Bạn nên kiếm việc làm phù hợp với khả năng tiếng Nhật của bạn, ví dụ bạn không nên xin việc làm marketing hay bán điện thoại vì việc này đòi hỏi phải tiếp khách và tiếng Nhật phải tốt.
Bạn cũng phải học cách nói lịch sự tối đa trong tiếng Nhật. Bạn có thể học cách nói này vì các quyển tạp chí giới thiệu việc sẽ hướng dẫn cụ thể. Nếu bạn nói không lịch sự, xác suất bạn xin được việc hầu như bằng 0 vì bạn sẽ bị đánh giá là người không hiểu các quy tắc thông thường trong xã hội.
Thường bạn gọi điện tời thì sẽ có các trường hợp sau: (1) Họ đã tuyển đủ người, (2) Bạn không phù hợp (tiếng Nhật yếu chẳng hạn), (3) Họ hẹn bạn phỏng vấn vào … giờ, ngày ….
Nếu bạn gọi điện tới và được chấp nhận phỏng vấn, thì bạn phải mang lý lịch tới. Lý lịch thường bán ở các cửa hàng tiện lợi (rirekisho, lý lịch thư), bạn viết các thông tin cá nhân và kinh nghiệm làm việc vào rồi mang tới vào thời điểm đã hẹn. Bạn không được đến muộn và cũng không nên đến quá sớm vì họ không có thời gian tiếp bạn. Bạn nên đến sớm hơn khoảng 5 phút.
Sau khi phỏng vấn, người tuyển dụng sẽ hẹn bạn trả lời vào thời điểm nào đó. Họ cũng có thể nói là đến thời điểm nào đó mà không gọi lại thì có nghĩa là bạn đã trượt công việc này.
Cẩm nang tư vấn du học Nhật Bản tổng hợp
Chúc các bạn học tập thật giỏi, kiếm tiền thật nhiều!