Chuyện làm thêm kiến tiền đối với du học sinh ở Nhật

Những bạn sang Nhật chỉ để học thì khỏi phải bàn nhiều đến chuyện làm thêm kiếm tiền, nhưng đáng bàn đó là những bạn đi du học – vừa học vừa làm, mà làm là chủ yếu. Thực tế, không ít bạn trẻ nuôi mộng du học xứ sở hoa anh đào với tiền lương làm thêm cao ngất ngưởng như những lời giới thiệu du học nhưng thực tế, làm việc ở Nhật Bản cực kỳ vất vả, nếu không chuẩn bị kỹ càng, bạn sẽ rất dễ “vỡ mộng”.
 

Vừa học vừa làm Òa khóc vì vất vả

Đa số du học sinh qua Nhật Bản đều là những bạn với tuổi đời còn rất trẻ, ra đi với tâm lý sẽ tìm việc làm thêm để trang trải một phần chi phí tại đất nước đắt đỏ nhất trên thế giới. Ý định của các bạn lại được tô vẽ thêm bởi những lời quảng cáo như sẽ kiếm được gần 40 triệu VNĐ một tháng, một con số đáng mơ ước ở Việt Nam.
Các công việc như bán hàng trong siêu thị, phục vụ quán ăn, cà phê, phát báo, làm trong các xí nghiệp thường được các bạn lựa chọn bởi có thể làm theo ca mà không ảnh hưởng đến giờ học. Lương làm thêm ở Nhật tính theo giờ, trung bình 700 – 1.200 Yên/1 giờ, tương đương với 180.000 đồng – 320.000 đồng. Bạn có thể làm 4 tiếng 1 ngày nhưng không được quá 28 tiếng 1 tuần, trung bình bạn có thể kiếm được 30 – 40 triệu/tháng từ việc đi làm thêm.
Tuy sự thật là lương ở Nhật khá cao, nhưng cái giá của nó cũng không hề rẻ chút nào, bạn phải làm cật lực, chăm chỉ và phải thành thạo tiếng Nhật bởi người Nhật rất khó tính và nghiêm khắc. Chính bởi những nét khác biệt với môi trường sống ở Việt Nam đã khiến không ít du học sinh phải bật khóc vì làm việc quá vất vả.
Phan Đình Thúy, sinh viên năm cuối một trường kỹ thuật tại Nhật chia sẻ: “Trong 7 năm ở Nhật, 1 ngày tôi ngủ gói gọn trong vòng 4 tiếng đồng hồ. Trong khi bạn bè tôi có khi ngủ còn ít hơn. Tôi xin được công việc đi đứng dây chuyền cho 1 nhà máy đóng gói mì hộp ăn liền vào ban đêm từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng. Suốt 8 tiếng đồng hồ tôi phải đứng và làm việc liên tục, chỉ được nghỉ giải lao cỡ 15 phút là phải bắt tay vào làm tiếp. Hết ca, tôi về nhà, ngủ một chút và thức dậy lúc 8 giờ sáng để chuẩn bị đi học đến chiều. Mới đầu làm việc, tôi cứ ngỡ mình không thể chịu nổi nhịp độ làm việc và học tập hà khắc như thế”. Bán hàng là công việc được nhiều du học lựa chọn.
Còn với Tôn Thúy Lan, cô bạn vừa mới đến Nhật chỉ trong 1 năm thì kỷ niệm lúc mới đến tưởng như chưa thể phai nhòa: “Quá mơ mộng về cuộc sống ở Nhật mà không chịu tìm hiểu kỹ càng khiến những ngày đầu đến Nhật như ác mộng”. Chỉ học lõm bõm vài câu tiếng Nhật, Lan vẫn vô tư vẽ ra cho mình một thế giới của riêng, nào là sang đó không phải lo gì cả vì đã có công ty môi giới, được đi làm và tha hồ kiếm tiền, trang trải đủ tiền sinh hoạt. Nhưng khi vừa đặt chân đến Nhật, Lan không thể tìm được bất cứ công việc gì bởi vốn tiếng Nhật ít ỏi của mình. Sau 2 tháng xa nhà, số tiền mang sang thì cũng hết dần mà cuộc sống thì chưa hề ổn định, gánh nặng tiền bạc luôn khiến cô bạn không yên. “Chưa tính đâu xa riêng cái khoản tàu xe đi lại cũng đủ làm chúng tôi đau đầu, hết tiền thì lấy gì để đi, không lẽ lại nghỉ học. Mà nghỉ học nhiều thì sau này chúng tôi sẽ khó gia hạn visa. Hàng ngày tôi chứng kiến cảnh một số bạn chọn cách "đá vé tàu" (nhảy tàu trốn vé) và có một số bạn bất chấp mọi thứ để lấy cắp đồ trong siêu thị, tôi như òa khóc”, Lan kể.

Du học Nhật Bản không phải là con đường hoa hồng

Dù ở bất kỳ đâu, làm gì thì cuộc sống cũng luôn muôn vàn thử thách. Càng đặc biệt hơn, khó khăn hơn đối với các du học sinh, không chỉ ở Nhật mà tất cả các nước nói chung. Đó không phải là con đường trải đầy hoa hồng như các bạn thường nhầm tưởng mà phải được xây dựng bằng sự chăm chỉ và lòng quyết tâm. Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, cựu du học sinh ĐH Kinh tế thông tin quốc tế ở Matoba, Nhật Bản chia sẻ: “Yếu tố quan trọng nhất và giữ vai trò quyết định cho các bạn chính là khả năng tiếng Nhật. Các bạn phải có được một quyết tâm sắt đá và một tâm lý vững vàng, tìm hiểu kỹ càng mọi thứ để vượt qua những khó khăn. Một khi các bạn chưa chuẩn bị được những hành trang như vậy thì mình khuyên các bạn đừng nên mơ tưởng đến việc học tại Nhật chứ đừng nói đến việc kiếm tiền tại Nhật”.
Nickname hoanglong84 thì chia sẻ kinh nghiệm của mình trên một diễn đàn: “Mình còn nhớ như in kỷ niệm xin việc ròng rã cả tháng trời mới được 1 chân bồi bàn. Cuối giờ làm việc khi mọi người về hết mình phải ở lại lau sạch sàn nhà , rửa 1 núi chén bát  và đổ rác, thế mà mình đã mừng đến phát khóc vì đã làm ra được tiền. Mình đi học từ sáng 7 giờ đến 5 – 6h chiều, về nhà loay hoay phải đi làm liền đến 1h sáng hôm sau mà tiền cũng chỉ đủ trả tiền nhà và tiền sinh hoạt. Mới lúc đầu chưa quen phong cách làm việc, nếp sống ở Nhật nên cũng nản lắm. Mình mới thấm thía việc làm ra tiền khó khăn đến chừng nào”. Để thích ứng với cuộc sống ở Nhật, hoanglong cho biết cần củng cố vốn tiếng Nhật và giao tiếp nhiều với người bản xứ, tìm hiểu văn hóa của họ. Quan trọng nhất là phải cân bằng giữa việc học và làm, bởi nhiều du học sinh quên mất mục đích chính của mình là qua Nhật để học.
 
Cẩm nang tư vấn du học Nhật Bản
Liên tục cập nhật thông tin tuyển sinh du học Nhật Bản